Khởi nguồn dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (1)
Trước khi xét đến nguyên lai phát xuất thiền Trúc Lâm Yên Tử, chúng ta ngược dòng Thiền Tông để tìm điểm khởi nguồn trực tiếp của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, như là một trong những nét đặc thù xuất phát của Thiền học Việt Nam. Khi có Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, ở nước ta từng có 3 dòng Thiền lớn: Dòng Tì Ni Đa Lưu Chi, Dòng Vô Ngôn Thông và Dòng Thảo Đường.
Dòng Tì Ni Đa Lưu Chi là do Tì Ni Đa Lưu Chi, người Nam Thiên Trúc qua Trung Hoa, rồi tháng 3 năm 580 sang Việt Nam, ở chùa Pháp Vân mở đầu một dòng Thiền và đã truyền pháp cho Thiền sư Pháp Hiền, người Việt. Dòng Thiền này truyền thừa qua 19 thế hệ với những đại sư nổi tiếng như Pháp Hiền ở thế hệ 2, Thông Biện ở thế hệ 9, Đạo Hạnh ở thế hệ 12, Minh Không ở thế hệ 13… Còn dòng Vô Ngôn Thông (còn gọi là Thiền phái Quan Bích) do Thiền sư Vô Ngôn Thông họ Trịnh, người Trung Hoa, sang Việt Nam vào 820, ở chùa Kiến Sơ. Dòng này truyền thừa qua 17 thế hệ với những vị đại sư tiêu biểu như Ngô Chân Lưu ở thế hệ 5, Mãn Giác ở thế hệ 9, Thường Chiếu ở thế hệ13, Hiện Quang ở thế hệ 15, Tiêu Diêu ở thế hệ 17… Trong hai dòng đó, có những gương mặt văn hóa lơn của nước Việt ta thời Lý – Trần như Mãn Giác Thiền sư(1), Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu… Thảo Đường là dòng Thiền lớn bắt đầu truyền pháp ở nước ta thế kỷ XI. Vào năm 1069, vua Lý Thánh Tông đưa quân đi Bình Chiêm, đem về một số tù binh, trong đó có Thiền sư Thảo Đường. Thiền sư vốn người Trung Hoa, thuộc tông truyền thừaqua 6 thế hệ với những tên tuổi lớn trong lịch sử dân tộc, như Lý Thánh Tông ở thế hệ 2, Không Lộ ở thế hệ 3, Lý Anh Tông ở thế hệ 4, Lý Cao Tông ở thế hệ 6…
Thiền sư Hiện Quang chính là người khai sơn chùa Vân Yên, sau đổi là Hoa Yên, trên núi Yên Tử. và Trần Thái Tông, ông vua đầu tiên của nhà Trần, một vị vua anh hùng, có cuộc đời riêng đầy đau khổ, từng bỏ ngai vàng lên chùa này. Sau đó vì việc nước phải về triều “Tự thân làm tướng, đốc chiến đi trước xông pha giữa tên đạn”, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất. Thắng giặc xong, Ngài nhường ngôi cho con, lui về chuyên chúviệc nghiên cứu Phật học. Những trình bày trên chỉ là sơ lược sự truyền thừa Thiền tông.
Ở đây chúng ta sẽ đặc biệt tìm điểm khởi nguồn trực tiếp của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, như là một trong những nét đặc thù xuất phát của Thiền học Việt Nam. Đề cập đến Thiền học Việt Nam, thì phải nói đến đời nhà Trần vì triều đại nhà Trần là một triều đại mà suốt cả các vị vua điều được un đúc bởi tư tưởng Thiền học, trong đó Trần Thái Tông là người tiêu biểu nhất, và có thể coi là quan trọng nhất trong chứng cứ phát khởi Thiền Trúc Lâm Yên Tử đó là núi Yên Tử. Núi Yên Tử đã được gắn liền với Thiền Trúc Lâm, và chính nơi đây Trần Thái Tông đã khai mở con đường mới về Thiền học(2). Địa vị của Trần Thái Tông Thiền sư trong Thiền tông thực không phải nhỏ. Con người Trần Thái Tông luôn luôn chủ trương áp dụng cái học thực tiễn, đó là tu, tề, trị, bình trong lĩnh vực quốc gia – xã hội để phát triển trong tinh thần tự chủ tự cường của dân tộc. Nhưng song song với chủ trương đó, Trần Thái Tông không bao giờ quên lãng việc học nội điển, đặc biệt là tu học yếu chỉ Thiền tông. Lê Tắc cũng phải viết về Trần Thái Tông: “Khoan, nhân, thông tuệ, văn võ kiêm bị”. Trong lúc đó Ngô Sĩ Liên cũng viết: “Có lượng đế vương, khoan, nhân đại độ hữu đế vương chi lượng”. Và Ngô Thơi Sĩ một sử gia đứng về quan điểm Nho học chính thống cũng xác nhận: “Vua là người khoan, nhân, có độ lượng đế vương; lập ra chế độ điển chương văn minh đáng khen”.
Trên phương diện lịch sử, Trúc lâm Yên Tử là một phái Thiền mà người mở đường chính là Trần Thái Tông. Một người vừa là Thiền sư, vừa là một bậc đế vương, nắm giữ vận mệnh của đất nước, thực là một sự kiện hy hữutrong lịch sử Thiền học mà ta phải thấy bằng tất cả sự nghiêm cẩn. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, người đời xem Trần Thái Tông như một ngọn đuốc Thiền học, với tác phẩm Khóa hư lục, viết khi lui về làm Thái thượnghoàng. Trong phả hệ của Thiền Trúc Lâm, không ghi vua Trần Thái Tông. Nhưng không phải vì vậy mà địa vị của vua kém quan trọng. Chính vua là người đã chuyển hướng Phật giáo Thiền tông sang một con đường mới, với đường lối hành trì mới mẻ. Quả nhiên, Thiền tông Bản hạnh (TTBH) đã đặt vua vào vị trí xứng đáng:
Chư tổ truyền đến nước ta
Thiền tông Nam chỉ chép ra lời này
Trước kể Trần triều cho hay
Đế vương học đạo là Trần Thái Tông.
(TTBH, câu 107-110)
Kế tiếp Thiền sư Hiện Quang là Thiền sư Đạo Viên, người được vua Trần Thái Tông gọi là Quốc sư Trúc Lâm. Tiếp nữa là Thiền sư Tiêu Diêu, tức Quốc sư Đại Đăng. Quốc sư Đại Đăng có hai học trò xuất sắc, một là Thiền sư Huệ Tuệ, một là Thượng Sĩ Tuệ Trung. Tuệ Trung là một người có phẩm chất Thiền học, có phẩm chất Thiền sư, nhưng cũng là một cư sĩ sống đời tại gia. Tuệ Trung chính là người ấn chứng cho Trần Nhân Tông.
Trên dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam có cả sự ảnh hưởng, tiếp nhận từ phương nam và phương bắc, có cả các bậc sư tổ người nước ngoài và người Việt, có cả sự trầm tích, cộng hưởng.
Đặt trong tương quan giữa Phật giáo và văn hóa dân tộc, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử có một vị trí đặc biệt. Trước hết cần đánh giá cao vai trò Hoàng đế - Thiền sư – thi sĩ Trần Nhân Tông (1258 – 1308) trên tư cách bậc Sư Tổ với đạo hiệu Trúc Lâm Đại Đà, người đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm.
Trần Nhân Tông (Thái tử Khâm) là ông vua anh hùng, một triết gia lớn, một thi cĩ sâu sắc của nước Việt ta thế kỷ XIII. Thuở thiếu thời, khi theo học Thượng sĩ Tuệ Trung, đã hỏi Thượng sĩ về bổn phận tông chỉ Thiền, Thượng sĩđáp rằng: “Gốc của bổn phận Thiền là soi sáng lại chính mình, không từ bên ngoài mà được…”. Nghe qua, Ngài đã thông suốt. Năm Ngài 21 tuổi thì lên ngôi Hoàng Đế (1279) lấy hiệu là Nhân Tông. Ngài phải cầm quân đánh đuổiquân xâm lược Nguyên Mông hai lượt, 1285 và 1288. Năm 35 tuổi, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, rồi năm 41 tuổi Ngài vào núi Yên Tử xuất gia tu hành, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, và trở thành Tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử. Như vậy, xét theo dòng truyền Yên Tử thì Đại Đầu Đà thuộc thế hệ 6. Nhưng vì Ngài có một trí tuệ đặc biệt ôm trùm đất nước và tri thức Phật học sâu xa, Ngài đã thống nhất các Thiền phái đã có thành một Thiền phái Trúc Lâm. Từ đây dân tộc Việt có một Thiền phái mang tên Việt với vị Tổ sư là người Việt Nam. Có thể nói, đây là một chấm son trên lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng. Sau khi vua Trần Nhân Tông(3) trao ngôi lại cho con để đi tu, Ngài tu mười năm ở núi Yên Tử. Năm năm đầu, Ngài chuyên hạ thủ công phu tu hành, không dám lơi lỏng và không hề rời núi. Sau đó Ngài ngộ đạo, truyền đạo Phật giảng kinh sách cho đệ tử, qua những lời thơ ý văn thâm sâu diễn giải mối quan hệ giữa “hữu” và “vô”. “thân” và “tâm”, đề cao bản ngã chủ thể “nghiệp lặng”, “an nhàn thể tính”, “tự tại thân tâm”, “ sống giữa cõi trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo”, đồng thời coi trọng cuộc sống thực tại, cảnh tỉnh lối tu hành cực đoan, cố chấp. Cho nên Ngài mới làm bài Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca như sau:
Kệ rằng:
“Cảnh tịch an cư tự tại tâm;
Lương phong xuy đệ nhập tùng âm.
Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển,
Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm (kim)”.
Dịch:
“Cảnh lặng, sống yên, lòng tự tại,
Gió mát thổi đến dưới bóng cây thông.
Giường thiền ở dưới góc cây,
Hai chữ thanh nhàn quý hơn vạn nén vàng”.
Bài kệ này nói lên chỗ sở đắc sở chứng của Ngài nhờ năm năm trường ở núi. Sau đó, Ngài mới đi mở mang truyền bá và lập thành một hệ phái Thiền tông Việt Nam tức là phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ đó ở Việt Nam mới có một vị Tổ. Tổ ban đầu là Sơ tổ Trúc Lâm tức là vua Trần Nhân Tông, là một vị vua Việt Nam đi tu đắc đạo thành Tổ. Như vậy nếu lấy đây làm nền tảng, chúng ta thấy có căng cứ(4). Cuối đời Lý đầu đời Trần có thiền sư Hiện Quangtu đắc đạo trên núi Yên Tử, dưới Ngài có thiền sư Đạo Viên hay là Viên Chứng đắc đạo; dưới đó nữa có thiền sưĐại Đăng. Những vị đó đều là quốc sư hai triều, triều vua Trần Thái Tông triều vua Trần Thánh Tông. Sau đó có những vị tiếp nối nhưng không được rõ ràng. Hơn nữa, khi vua Trần Nhân Tông đi tu đắc đạo ở đó rồi mới lập ra phái Trúc Lâm Yên Tử, tiếp ngài Pháp Loa ngài Huyền Quang cũng đều đắc đạo trên núi Yên Tử. Như vậy thì cái quý báu, cái linh thiêng của Yên Tử là nhờ người tu đắc đạo trên đó, cho nên có câu ca dao:
“Dù ai quyết chí tu hành
Có lên Yên Tử mới đành lòng tu”.
Như thế, núi Yên Tử vốn là một danh sơn đáng kể. Các vua đời Trần đã lấy núi nầy để lập am tu hành, tham cứuPhật pháp và chính ở đây các Thiền sư đời Trần như Pháp Loa. Huyền Quang vv… đã đắc pháp, truyền y bát.
Núi Yên Tử còn được gọi là Tượng sơn. Như ở trong thanh nhất thống chí có chép: “An Kỳ Sinh thời Hán bên Tàu đã chứng đạo tại đây” Chính vì An Kỳ Sinh chứng đạo ở trên núi này nên đời sau người ta gọi là An hay Yên Tử. Trong sách theo đó, cũng viết như vậy. Đại Nam nhất thống chí chép: “Đời Đường, Tôn Quang Định có bài ký ‘ Động thiên phước địa’ nói: Núi An Tử ở nước ta là một phước địa (kiểu đất tốt) trong 72 phước địa. “và Hải nhạc thanh sơn đời Tống lấy núi này làm phước địa thứ tư. Sách Sử Lễ chí đời Minh nói: “Nước An Nam có 21 danh sơn liệt kê vào tự điển, mà núi An Tử và núi Kiệt Đặc là hai núi trong số ấy”(5). Trong lịch sử Việt Nam, đời Trần là một triều đại nổi bật về nhiều lĩnh vực, nhất là trào lưu Thiền học, mang nhiều sắc thái độc đáo nhất của Phật giáo Việt Nam. Sắc thái độc đáo đó được gói trọn trong Trúc Lâm Yên Tử.
Trúc Lâm Yên Tử - Ảnh: nhipcautamgiao.net
Trúc Lâm yên Tử mang tính chất độc đáo và quan trọng như thế, cho nên chúng ta cần đề cập đến Thiền học Việt Nam,, tức phải nói đến đời nhà Trần vì triều đại nhà Trần là một triều đại mà suốt cả các vị vua điều được un đúcbởi tư tưởng Thiền học, trong đó có ba vị vua xuất chúng của nhà Trần; Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông là người tiêu biểu nhất. Một gốc tích đáng kể nhất, và có thể được coi là quan trọng nhất trong chứng cứ khởi phát Thiền Trúc Lâm yên Tử đó là núi Yên Tử. Núi Yên Tử đã được gắn liền với Thiền Trúc Lâm, và chính nơi đây Trần Thái Tông đã khai mở con đường mới về Thiền học. Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, những nhân vật đã sáng tạo nên “tinh thần Thiền Việt Nam”… vừa là “Chiến sĩ, Nghệ sĩ, Đạo sĩ, ba con người làm một đã kết tinh một cách hiển nhiên rõ rệt vào ba đời vua nhà Trần một cách miên tục nhất quán, đời ông, đời cha, đời con: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông” như Nguyễn Đăng Thục nhận xét(6), Trần Thái Tông đã là nhân vật lịch sử kỳ lạ có sứ thu hút làm cho người đi sau trăn trở chính do những dữ kiện bi tráng trong cuộc đời và sự nghiệpcủa ông: cùng với sự nghiệp đất nước ông đã xây dựng một nền đạo đức học Phật giáo cho thế hệ đi sau, không phải với tư cách một nhà độc tài quân phiệt phong kiến mà với tư cách của một người “cùng đinh” trong nghĩa vô ngã của đạo Phật, để người kế thừa ông có thể khẳng định đất nước Đại Việt “muôn nghiệp an nhàn thể tính” và “tự tại thân tâm”, như Trần Nhân Tông trong Cư trần lạc đạo đã nói rõ tương quan giữa đạo và đời, giữa Thăng Long lầu vàng điện ngọc và Yên Tử yến thốt oanh ngâm:
Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm
Tham ái nguồn dừng
Chẳng còn nhớ châu yêu quý ngọc
Thị phi tiếng lặng
Được đầu nghe yến thốt oanh ngâm.
[Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo(7)]
Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Nhân Tông có một vị trí quan trọng. Ngài là một triết gia lớn, đứng đầu một triết phái, thể hiện được đầy đủ bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, để lại một dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng nước nhà đó là phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trong cuộc đời Trần Nhân Tông sau 14 năm làm vua, theo truyền thốngcủa nhà Trần, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, rồi làm Thái thượng hoàng và đi tu, trở thành Tổ thứ nhất phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Theo Thiền Sử, Trần Nhân Tông sớm tâm đắc với đạo Thiền, ngay thời gian làm vua, ông đã chú ý nghiên cứu triết học Thiền Tông, nắm được chỗ tinh yếu nhất của đạo Thiền.
Xét trên bình diện triết học, Trần Nhân Tông có một vị trí quan trọng, Ngài là một triết gia lớn của Phật học Việt Nam. Với Thiền phái Trúc Lâm mà Trần Nhân Tông là người đứng đầu, triết học Phật giáo Việt Nam thời Trần đã phát triển rực rỡ và thể hiện được đầy đủ trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam đều biết vua Trần Nhân Tông là một vị Minh Vương, một vị Thánh Vương và là người ứng dụng lời Phật dạy trong mọi hoàn cảnh. Trong thời kỳ làm Thái Thượng Hoàng, trong tâm Ngài luôn sống bằng hạnh của một vị xuất gia, được 6 năm và sau cùng Ngài sống cuộc đời xuất gia hoàn toàn từ trong tâm đến ngoài tướng.
Để minh chứng Ngài đã sống phù hợp với chánh pháp của Phật từ lúc là Thái Tử cho đến khi tịch diệt. Nhân đây chúng tôi xin trích các kính Phật từ Kinh A Hàm đến kinh Đại Thừa; đồng thời chúng tôi cũng trích một số nội dung trong Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Thánh Đăng Lục và những hành trạng của Ngài. Và cũng cho thấy rằng Phật pháp bất ly thế gian pháp góp phần xây dựng và phát triển, một quốc gia hòa bình, an ninh, thịnh vượng, đoàn kết trong nhân dân, trong triều đình và giữa triều đình với nhân dân. Cũng qua các trích dẫn ấy cho chúng ta thấy Ngài Trần Nhân Tông đã dùng bản lĩnh Việt Nam để ứng dụng, hoàn chỉnh giáo lý đức Phật, hoàn thành sử mệnh của mình đối với nhân dân, với tổ tiên, với triều đình, với đất nước và các nước lân bang còn có giá trị đến ngày nay và mai sau. Vì vậy mà Trần Nhân Tông đã thực hiện theo lời Phật dạy; trong (Kinh Tăng Chi Bộ) có bảy điều làm cho một xã hội cường thịnh là: “Một là hòa hợp trong dân chúng; Hai là dân chúng đoàn kết; Ba là luật pháp nghiêm minh và có truyền thống dân tộc; Bốn là dân chúng biết kính trọng đạo đức, biết kính trọng người lớn tuổi; Năm là xã hội an ninh, không có các hiện tượng hà hiếp, bắt cóc, cưỡng ép các thiếu nữ, phụ nữ; Sáu là có uy tínvà tôn trọng truyền thống tín ngưỡng; Bảy là kính trọng và ủng hộ chư tăng.
(còn tiếp)
ThS. Thích Thiện Hạnh
Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Bắc Ninh
Nguồn: thuvienhoasen.org
-------------------